Ngày 29/12/2023, TS. Linh Phùng và Ths. Hồng Đinh có buổi chia sẻ thân mật với các cô giáo và các phụ huynh về các chủ đề giáo dục mà hai cô làm việc và tiếp xúc nhiều trong năm 2023. Dưới đây là những ý chính và một số nguồn tài liệu và gợi ý thêm.
1. Giáo dục đa ngôn ngữ (đặc biệt là phát triển tiếng Anh như một ngoại ngữ, phát triển và gìn giữ ngôn ngữ cội nguồn hay heritage language ở Mỹ, và giáo dục đa ngôn ngữ). Có thể các thầy cô và phụ huynh nghe nhiều về các phương pháp dạy ngoại ngữ mới như: dạy ngoại ngữ dựa vào tác vụ (task-based language teaching), dạy ngoại ngữ dựa vào dự án (project-based learning in ELT), dạy ngoại ngữ dựa vào nội dung (content-based instruction) ... Với những phương pháp này vấn đề cơ bản là việc dạy bắt đầu bằng ý nghĩa và nội dung chứ không phải hình thức ngôn ngữ như từ vựng và ngữ pháp như phương pháp truyền thống. Vấn đề cơ bản thứ hai về phát triển chương trình theo những phương pháp này đòi hỏi các chương trình phải lấy tác vụ, dự án, hay nội dung để tổ chức lớp học và phát triển ngôn ngữ và kĩ năng sẽ theo sau.
Ở Mỹ thì Bộ giáo dục Mỹ vừa đẩy mạnh một chiến dịch tạm dịch sang tiếng Việt là Biết hai thứ tiếng là khả năng siêu phàm (Being bilingual is a superpower) để các trường học và đơn vị giáo dục tập trung vào việc phát triển khả năng đa ngôn ngữ cho học sinh thay vì chỉ tập trung phát triển tiếng Anh. Mỹ có khoảng 5 triệu học sinh đang học tiếng Anh (English learners hay multilingual learners) ở các trường công và chiến dịch này giúp các em dùng tất cả vốn ngôn ngữ của mình để phát triển khả năng học thuật.
Với tinh thần đó, trong mấy năm nay mình có một số dự án lớn và nhỏ. Các sách nêu ra ở dưới có thể đặt mua trên Amazon hoặc trên links có trên trang HL Books.
App di động Eduling Speak với các tác vụ ngôn ngữ để giúp người học phát triển tiếng Anh (và sau này có thể các ngôn ngữ khác)
Sách thiếu nhi song ngữ: Tug of Words: Trò chơi kéo co ngôn ngữ (đặt mua ở Việt Nam tại đây); Translanguaging: Hallie’s First Words: Những tiếng pha trộn đầu đời của Hà Ly; Four Seasons Together: Bốn mùa cùng nhau ra mắt ngày 10/1/2024 và có thể đặt trước bản có chữ kí tại đây.
Sách Vietnamese Learning Games: Học tiếng Việt qua trò chơi có mặt trên Amazon
Sách IELTS Speaking Part 2: Strategies, Model Speeches, and Practice Activities có thể đặt mua ở Việt Nam tại đây hoặc trên Amazon
Sáchhọc tiếng tiếng Tây Ban Nha qua các trò chơi ngôn ngữ (sắp ra mắt)
Sách hoạt động tiếng Anh ở Việt Nam TS. Linh Phùng và Ths. Hồng Đinh sắp xuất bản qua Alpha Books
Một dự án mới toanh mà hai cô giáo và đồng nghiệp khác đang lập kế hoạch là phát triển tài liệu ở các ngôn ngữ khác nhau và gửi cho các gia đình đăng kí hàng tháng. Kế hoạch hơi tham vọng một chút nên nhóm dự án cần tìm hiểu nhu cầu thêm nữa.
2. Phát triển năng lực cảm xúc xã hội (SEL or Social Emotional Learning) và STEM. Cô Hồng Đinh có hai cuốn sách về những chủ đề này (Giáo dục năng lực cảm xúc xã hội và Học STEM kiểu Mỹ tại nhà) nên các bạn có thể tìm xem, nhưng để hiểu thêm về SEL, các bạn có thể xem video khóa học của Bộ ngoại giao Mỹ với những video và tài liệu học chia sẻ lại ở trang: eduling.org/resources.
3. Multi-sensory instruction (Giáo dục sử dụng nhiều giác quan): Đây là hình thức giáo dục sử dụng các phương thức truyền tải thông tin khác nhau và cho phép các em học sinh dùng các giác quan khác nhau để phát triển kiến thức và kĩ năng. Về mặt phát triển ngôn ngữ thì hiện các em học sinh cũng tiếp xúc không chỉ văn bản viết mà còn qua nghe và nhìn (multimodal literacy). Bạn có thể tìm đọc một tài liệu miễn phí về chủ đề này mà Oxford University Press xuất bản gần đây. Ngoài ra, là giáo viên và người thiết kế tài liệu thì chúng ta cũng cần nghĩ đến cách thiết kế slides, tài liệu, videos, bài giảng tuân theo multimedia learning principles. Phần này TS. Linh Phùng có làm nghiên cứu và sẽ chia sẻ sâu hơn vào dịp sau.
4. Global competency, digital literacy, and data literacy: Đây là những chủ đề vừa mới vừa cũ và hai cô giáo có những dự định chia sẻ và thực hành trong tương lai.
5. Self-regulated learning: Chủ đề giúp con tự học có phụ huynh hỏi đến và TS. Linh Phùng có tham gia viết bài cho Oxford University Press và có chia sẻ thêm ở blog post này. Về cơ bản thì giáo viên và học sinh cần phát triển khả năng tạo động lực học tập, hiểu nhu cầu học, đặt mục tiêu, tạo kế hoạch học tập, thực hiện các chiến lược cho các hoạt động học tập, và theo dõi tiến bộ của bản thân. TS. Linh Phùng và Hayo Reinders cũng có kênh Facebook mới về chủ đề này gọi là Dr. Dr. Power Learning.
6. Có cô giáo hỏi về dạy trẻ tự kỉ và tăng động, Ths. Hồng Đinh có những gợi ý rất hay hay. Với chủ đề này, có lẽ giáo viên ở Việt Nam cần được phát triển hơn và các trường học hay cơ quan giáo dục có thể quan tâm nhiều hơn để chuẩn bị và hỗ trợ giáo viên.
Đây là Slides của buổi nói chuyện.
Video buổi nói chuyện có tại trang Facebook Eduling International và Học kiểu Mỹ tại nhà. Cô Linh Phùng và Hồng Đinh cũng sẽ chia sẻ trên trang Facebook của mình.
Tác giả: TS. Linh Phung (Phùng Thùy Linh) có gần 20 năm kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam và Mỹ. Đặc biệt chị có 12 năm làm Chủ nhiệm Chương trình Anh ngữ ở Đại học Chatham, Pittsburgh, Mỹ. Chị cũng là tác giả cho các báo cáo khoa học trong các tạp chí hàng đầu về giảng dạy ngoại ngữ, sách học thuật, sách học tiếng Anh, và sách thiếu nhi. Đặc biệt chị là người phát triển app Eduling Speak để kết nối người học tiếng Anh nói chuyện theo cặp trong khi thực nhiện các nhiệm vụ ngôn ngữ cùng nhau. Chị hiện đóng vai trò Chuyên gia Anh ngữ của Bộ ngoại giao Mỹ.
Hong Dinh (Đinh Thu Hồng) có bằng M.Ed-Thạc sĩ Giáo dục với chuyên ngành tiếng Anh như Ngôn ngữ thứ hai. Ngoài kinh nghiệm dạy tiểu học và ESL, cô còn là Gv dạy STEM và Gifted (Tài năng năng khiếu). Ths. Hong Dinh là giáo viên tiểu học lâu năm, hiện công tác tại học khu Gwinnett, học khu lớn nhất bang Georgia, Hoa Kỳ. Chị vừa được nhận học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ trong chương trình giáo viên toàn cầu (Teachers for Global Classroom). Đặc biệt, chị là nhà sáng lập và quản trị trang fanpage Học kiểu Mỹ tại nhà với hơn 60.000 người theo dõi.
Comments