Tác giả: Linh Phùng
Bài viết được đăng lần đầu trên nhóm Đồng hành cùng con - Ở Mỹ ngày 19/7/2021
Số học sinh là người đang học tiếng Anh (English Language Learners gọi tắt là ELLs hay ELs) là một nhóm học sinh đang gia tăng ở hệ thống giáo dục của Mỹ. Theo thống kê của Trung tâm Thống kê Số liệu Giáo dục (National Center for Education Statistics hay NCES), số học sinh ELLs trong các trường công của Mỹ tính vào học kỳ mùa thu năm 2018 là 10,2% hay 5,0 triệu học sinh. Phần trăm ELLs ở các bang dao động từ 0,8% ở West Virginia và 19,4% ở California. Mặc dù hầu như tất cả các học khu của Mỹ đều có học sinh ELLs, một số học khu ở California, Texas, Virginia, và Colorado có số lượng học sinh ELLs lớn nhất trong nước. Dưới điều luật Every Student Succeeds Act (ESSA), tất cả các bang ở Mỹ cần phải kiểm tra đánh giá trình độ tiếng Anh của ELLs, trợ giúp các em một cách hợp lý trong các bài kiểm tra chung của bang, và chịu trách nhiệm đảm bảo sự tiến bộ của các em qua các năm học.
ELLs là nhóm học sinh đa dạng với nhiều nguồn gốc ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Trong tổng số 5 triệu học sinh ELLs tại các trường công, khi xét về ngôn ngữ chính được sử dụng trong gia đình, học sinh nói tiếng Tây Ban Nha chiếm đại đa số (75,2%), sau đó đến học sinh nói tiếng Ả rập (2,7%), học sinh nói tiếng Trung và học sinh nói tiếng Anh (đều 2,0%) và học sinh nói tiếng Việt (1,5%). Các ngôn ngữ sử dụng trong gia đình khác trong top 10 gồm Somali, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Haitian hay Creole từ Haiti, và tiếng H’mong (cũng theo số liệu học kì mùa thu 2018 của NCES).
Các chương trình cho học sinh ELLs
Theo báo cáo của National Academy of Sciences, Engineering, and Medicine, các chương trình cho học sinh ELLs có thể được xếp theo hai nhóm lớn là: (1) chương trình theo hình thức tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (English as a second language hay ESL) trong đó tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy chính và (2) chương trình song ngữ. Mỗi nhóm lớn này lại có các mô hình và chương trình khác nhau với các tên gọi khác nhau. Cũng theo báo cáo, ba trong số các mô hình trong nhóm thứ nhất là:
Mô hình ESL (the ESL Model): Giáo viên với chứng chỉ ESL dạy các lớp tập trung vào phát triển trình độ tiếng Anh (từ vựng, ngữ pháp, và kĩ năng) của học sinh. Ở bậc tiểu học thì học sinh ELLs dành một phần thời gian trong ngày ở lớp học chính và một phần ở lớp học ESL với các học sinh ELLs khác. Chương trình này thường được gọi là ESL pull-out. Ngoài ESL pull-out, một hình thức nữa là giáo viên ESL sẽ tham gia lớp học chính với các em và hỗ trợ các em trong giờ học chính. Hình thức này được gọi là ESL push-in. Ở bậc trung học thì học sinh có các tiết học như các môn học khác. Một số thuật ngữ dùng thay thế cho ESL là ESOL (English to Speakers of Other Languages) và ELD (English Language Development).
Mô hình giảng dạy dựa vào nội dung (the Content-Based Model): Học sinh ELLs phát triển ngôn ngữ qua các bài học dựa vào nội dung. Nội dung các môn học khác là phương thức để phát triển ngôn ngữ và mục tiêu chính vẫn là học tiếng Anh. Giáo viên giảng dạy có chứng chỉ về đào tạo tiếng Anh. Hình thức học là học sinh có lớp học riêng ngoài các môn học khác.
Mô hình khép kín (the Sheltered Instruction Model): Giáo viên sử dụng các kĩ thuật giảng dạy chuyên biệt để giúp các em phát triển cả ngôn ngữ và nội dung. Mục tiêu chính là phát triển vốn kiến thức và khả năng học thuật ở các môn học khác, nhưng giáo viên cần điều chỉnh cách giảng dạy để phù hợp với các em học sinh ELLs. Giáo viên thường là giáo viên các môn học chung nhưng cũng có thể là giáo viên có chứng chỉ ESL. Học sinh ELLs có thể học lớp tách riêng với học sinh bản ngữ nên mới gọi là khép kín (sheltered). Tuy nhiên ngày nay phần lớn các em học sinh ELLs học cùng với các học sinh bản ngữ, cần đạt một chuẩn học thuật chung, và tham gia các kì thi kiểm tra chung. Mô hình khép kín bởi vậy hiện thường có nghĩa tập hợp các kĩ thuật và hoạt động dạy học hữu ích cho tất cả các giáo viên để giúp học sinh ELLs phát triển khả năng tiếng Anh và đồng thời học nội dung các môn học bằng tiếng Anh.
Một số mô hình trong theo hình thức song ngữ (nhóm thứ 2) gồm:
Mô hình song ngữ chuyển tiếp (Transitional Bilingual Education hay TBE): Học sinh thường bắt đầu học bằng ngôn ngữ chính từ mẫu giáo hay lớp 1 và chuyển tiếp sang tiếng Anh từng bước một với mục tiêu là phát triển tiếng Anh nhanh chóng thường là vào lớp 2 hay 3. Những chương trình này còn được gọi là chương trình song ngữ chuyển tiếp sớm (Early Exit Bilingual Program).
Mô hình song ngữ một chiều (One-Way Dual Language Program): Đây là chương trình phát triển khả năng ngôn ngữ cao ở cả hai thứ tiếng. Chương trình này thường dành cho một nhóm các em có nguồn gốc ngôn ngữ giống nhau: học sinh ELLs học ngôn ngữ sử dụng trong gia đình và tiếng Anh, học sinh nói tiếng Anh và học thêm một ngôn ngữ nữa, hay học sinh học tiếng Anh và ngôn ngữ của quê hương (heritage language). Học sinh thường bắt đầu học ở bậc mẫu giáo hay lớp 1 và theo suốt bậc tiểu học. Vì vậy, chương trình này còn gọi là chương trình song ngữ chuyển tiếp muộn (Late Exit Bilingual Program).
Mô hình song ngữ hai chiều (Two-Way Dual Language Program): Chương trình này thường dành 50/50 phần trăm thời gian học ở hai ngôn ngữ cho các em học sinh ELLs và học sinh bản ngữ và có mục tiêu phát triển hai ngôn ngữ cũng như giao thoa văn hóa. Giáo viên có thể là giáo viên nói hai thứ tiếng hoặc hai giáo viên cùng giảng dạy một nhóm học sinh. Thường học sinh có thể học chương trình này đến khi kết thúc chương trình và thậm chí đến hết bậc trung học. Tên gọi khác của chương trình này là: Dual Immersion (DI) hay Two-Way Immersion (TWI).
Xác nhận, theo dõi, và kiểm tra đánh giá
Ngoài các chương trình cho các em ELLs nêu trên, một điều quan trọng mà các phụ huynh cần biết là quy trình xác nhận, kiểm tra đánh giá, và theo dõi quá trình phát triển tiếng Anh của các em ELLs.
Luật về quyền công dân của chính phủ liên bang yêu cầu các học khu và các trường học phải xác nhận học sinh ELLs. Các đơn vị giáo dục địa phương (Local Education Agencies hay LEAs) có trách nhiệm cung cấp chương trình đào tạo ESL hay song ngữ cũng như hỗ trợ các em trong việc học các môn học khác. Các bang có quy trình xác nhận học sinh ELLs riêng và thường bắt đầu bằng một đơn khai báo ngôn ngữ chính sử dụng trong gia đình. Các trường sau đó có thể phỏng vấn gia đình để kiểm định thông tin. Khi một học sinh ELLs được xác nhận, nhà trường sẽ cho các em làm bài kiểm tra trình độ tiếng Anh.
Mỗi bang có thể có một bài kiểm tra khác nhau, nhưng phổ biến nhất là các bài trong tập hợp ACCESS ELLs của WIDA Consortium. Một chút thông tin thêm về WIDA (trước đó được biết đến với tên đầy đủ là World-Class Instructional Design and Assessment) là một tổ chức gồm các thành viên là các bang, các vùng lãnh thổ, và các phòng ban của chính phủ liên bang với sứ mệnh nghiên cứu, phát triển, và triển khai hệ thống giáo dục dựa theo tiêu chuẩn (standards) cho học sinh ELLs ở bậc K-12 ở Mỹ. Hiện tại 40 bang ở Mỹ là thành viên của WIDA và sử dụng chuẩn WIDA giúp phát triển khung chương trình cho các trường học và kiểm tra đánh giá. WIDA còn cung cấp một loạt các bài kiểm tra trình độ hàng năm cho các em ELLs ở các bậc học khác nhau với các kĩ năng khác nhau. Các bài kiểm tra này có thể có các tên gọi khác nhau. Các kĩ năng kiểm tra bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Mỗi kĩ năng sẽ có một thang điểm từ 1.0 đến 6.0. Miêu tả chung của các thang điểm như sau: 1 – Entering; 2 – Emerging; 3 – Developing; 4 – Expanding; 5 – Bridging; và 6 – Reaching. Ngoài điểm số cho bốn kỹ năng trên, còn có tổng điểm cho nghe nói, đọc viết, và mức độ hiểu khi đọc và nghe. Ngoài thang điểm 1-6, kết quả kiểm tra còn có điểm đã được điều chỉnh để thấy được tiến bộ của các em từ lớp này lên lớp khác.
Khi học sinh ELLs đạt được trình độ tiếng Anh theo quy định của bang (dựa vào điểm kiểm tra trình độ tiếng Anh và đánh giá của giáo viên), các em sẽ được xác nhận là học sinh ELLs cũ. Tiến bộ trong học tập của các em phải được theo dõi trong hai năm tiếp theo để đảm bảo các em tiếp tục tiến bộ như các nhóm học sinh khác.
Kết luận
Học sinh là người học tiếng Anh (ELLs) được nhận định là nhóm học sinh đặc biệt đa dạng đại diện cho rất nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa, và nguồn gốc khác nhau. Dù các em có những thách thức riêng và khoảng cách về thành tích học tập vẫn còn (do nhiều lý do khác nhau không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ), các em cũng được coi là nguồn tài sản với những tiềm năng có thể được khai thác và phát triển. Bài viết trên giúp phụ huynh có cái nhìn tổng quan về các chương trình cho ELLs ở K-12 của Mỹ. Phụ huynh nên nhìn nhận những chương trình này sẽ giúp ích cho con đạt được kết quả cao hơn chứ không phải do con em mình thiếu hụt điều gì. Với nhiều nguồn thông tin từ nhà trường, phụ huynh có thể đặt câu hỏi và yêu cầu có bản dịch nếu cần. Ngoài ra, khả năng và kiến thức ở ngôn ngữ thứ nhất sẽ có ích cho phát triển ngôn ngữ thứ hai nên phụ huynh có thể tiếp tục tạo điều kiện cho con sử dụng cả hai ngôn ngữ. Với sự đồng hành của phụ huynh, hi vọng các em được tiếp cận với những cơ hội học tập tốt nhất và đạt được những thành thành công trong chặng đường học tập của mình.
Nguồn
National Center for Education Statistics: https://nces.ed.gov/programs/coe/indicator/cgf
WIDA Consortium: https://wida.wisc.edu/
Every Student Succeeds Act: https://www.ed.gov/essa
Báo cáo của National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine: Promoting the Educational Success of Children and Youth Learning English: Promising Futures
Comments