top of page

Viết và dạy tự truyện

Đã cập nhật: 9 thg 4, 2022

Viết và dạy tự truyện

Tháng 7 2021

TS. Linh Phung

Qua nhiều năm làm việc, tôi đã đọc rất nhiều bài tự truyện lồng ghép vào các bài luận xin học hay xin học bổng (trong đó có học bổng Fulbright cho sinh viên Mỹ). Một câu chuyện hay trong những bài luận đó thường để lại ấn tượng cho người đọc và giám khảo thường thảo luận khi quyết định cho điểm. Tuy nhiên, khi dạy viết, tôi lại ít khi dạy thể loại này cho đến gần đây. Các khóa học viết cho sinh viên đại học và các em cấp 2-3 ở Việt Nam và Mỹ của chương trình tôi chủ nhiệm là Eduling International Academy gần đây có dạy thể loại này. Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm để giúp các em học sinh, giáo viên, hay phụ huynh muốn luyện tập thể loại viết này.


Khi giảng dạy, tôi thường chia sẻ bài mẫu, giảng giải về các đặc điểm của thể loại, và hướng dẫn học sinh thực hiện từng bước trong quá trình viết. Bài mẫu mà gần đây tôi sẻ dụng là 9 bài tự truyện đạt giải trong cuộc thi của Thời báo New York năm 2020 cho học sinh tuổi teen. Mỗi bài viết không quá 600 từ, nên độ dài là phù hợp cho học sinh của tôi. Các bài viết được đăng ở đây.


Trước khi phân tích các bài mẫu, tôi trình bày tự truyện là gì, các đặc điểm chính trong thể loại tự truyện, cách kết cấu bài viết, và cách viết mở đầu. Các đặc điểm chính trong tự truyện gồm:

  1. Một câu chuyển kể hay (với một xung đột hay tình huống cần giải thỏa)

  2. Nội dung sinh động (qua các chi tiết liên quan đến cảm quan, ngôn ngữ có tính miêu tả cao, hình ảnh, và hội thoại)

  3. Ý nghĩa của câu chuyện


Về kết cấu thì người viết có thể kể câu chuyện:

  1. Từ đầu đến cuối theo trình tự thời gian

  2. Bắt đầu bằng phần giữa của câu chuyện rồi quay trở lại thêm chi tiết

  3. Bắt đầu bằng kết thúc của câu chuyện rồi quay trở lại thêm chi tiết

Có một mở đầu thu hút người đọc là rất quan trọng và các phương cách tôi trình bày với học sinh bao gồm bắt đầu bài viết bằng:

  1. bối cảnh

  2. âm thanh

  3. hội thoại

  4. một từ đặc biệt nào đó

  5. một câu hỏi

Sau đó lớp học phân tích bài mẫu. Lớp sẽ phân tích 1-2 bài cùng nhau. Sau đó tôi phân công cho mỗi em phân tích một hai bài và trình bày cho lớp. Học sinh phân tích những đặc điểm quan trọng của thể loại và những nội dung mà tôi trình bày trước đó. Lớp học cũng tiếp thu thêm được ngôn ngữ và kĩ thuật viết mới qua quá trình phân tích này. Tôi cũng giải thích và hướng dẫn thêm về cách dùng tính từ và động từ có tính miêu tả cao và cách sử dụng hội thoại trong bài viết. Tôi thường sử dụng những ví dụ trong bài mẫu khi trình bày.


Tôi thường hướng dẫn học sinh qua quá trình viết bằng cách giúp các em suy nghĩ về chuyện mình muốn kể qua các hoạt động viết ngắn và hoạt động phát triển ý, phản hồi cho các bài viết nháp của các em, và trình bày một số vấn đề các em gặp phải trên lớp. Cuối cùng, tôi thường sửa thêm và đăng bài với sự cho phép của các em.


Nếu bạn cũng sử dụng các bài luận của NYT tôi giới thiệu ở đây thì tôi muốn nêu ra là NYT chỉ ra những đặc điểm của các bài được giải là.

  1. Bài có kết cấu truyện rõ ràng với một xung đột gì đó và nhân vật chính trải qua sự thay đổi gì đó

  2. Cân bằng giữa những hoạt động xảy ra trong câu chuyện và bình luận của tác giả về ý nghĩa của những hành động đó với mình

  3. Một giọng điệu đặc biệt qua các dùng ngôn ngữ (dấu câu, cấu trúc câu, và hội thoại)

  4. Tập trung vào một sự kiện nhất định hay một chủ đề cụ thể

Qua bài học về tự truyện, học sinh của tôi đã chia sẻ những câu chuyện thú vị: bị đấm vào mặt khi đi đến trường, hộ chiếu bị mẹ báo hủy khi đang bay quốc tế khi mới 16 tuổi, quyết định tập trung vào tập môn thể thao squash sau khi bị một tai nạn xe đạp, nhận vơ sinh nhật của người khác vì không bao giờ được tổ chức sinh nhật ở trường, một kì nghỉ với những khoảnh khác đẹp tuyệt vời cùng nỗi sợ khi trên tàu biển, một chuyến đi câu cá với những chi tiết rất nhỏ nhặt nhưng hay, và những giấc mơ về chiến tranh và chết chóc mà may thay không giống ngoài đời, v.v.


Học sinh đã sử dụng những kĩ thuật viết dạy trên lớp. Dưới đây là một số ví dụ các em mở bài thế nào.

  • Sử dụng câu hỏi: Have you ever had a dream that was, for a lack of a better word, “a series?”

  • Bắt đầu bằng một câu gây sốc: When I was in preschool, I was, you can say, very dumb. As most children are.

  • Bắt đầu bằng một từ: Love. A feeling towards someone.

  • Bắt đầu bằng hội thoại: “Miss, Miss, are you okay?” shrieked a stranger.

  • Bắt đầu bằng kết thúc của chuyện: I can’t forget that moment―the view from the stage, generous applause from the audience and that sense of accomplishment.

Các bài viết cũng có chi tiết sinh động và hội thoại. Dưới đây là hai ví dụ của hai bài viết trong lớp học của Eduling.

That night, I walked up onto the deck since I heard that there was a movie night. A gust of wind blew against me. I gazed upon the ocean with the marvelous shine of the moon. It was so peaceful. I sat on one of the chairs. I looked over at the corner and I saw that there was hot chocolate. I walked over and grabbed a cup.


I went up to my teacher and said, "It's my birthday." “YES, I’VE DONE IT. IT IS NOW MY BIRTHDAY,” I thought happily to myself. Not only did I tell my teacher it was my birthday, but also convinced myself it was my birthday.


Một khó khăn cho một số em là kết thúc câu chuyện với một ý nghĩa rõ ràng. Học sinh thích viết về một chuyến đi hay một kì nghỉ đáng nhớ nhưng tôi thường phải khuyến khích các em suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện ngoài việc miêu tả điều gì xảy ra.


Một vấn đề nữa mà các em thường cần hướng dẫn và thời gian phát triển thêm là sử dụng thì quá khứ một cách đồng nhất, cách thêm hội thoại, và cách dùng dấu câu phù hợp. Những chi tiết này cần thời gian, và tôi thường kết hợp giảng giải với chưa bài. Trong một khóa học viết, tôi cũng dạy các em cách đọc lại và sửa lỗi thông thường. Ai mà chẳng mắc lỗi và phải đọc kĩ lưỡng bài viết của mình?


Một số tự truyện viết bởi học sinh Eduling hi vọng tạo cảm hứng cho các em học sinh khác. Các bài viết khác cũng sẽ dần được đăng tải trên trang blog của chúng tôi www.eduling.org/news.


Fighting back (by Anh Duy): https://www.eduling.org/post/fighting-back

Love (by Kevin Nguyen): https://www.eduling.org/post/_love

Birthday? (by Samantha Tran): https://www.eduling.org/post/birthday


Ghi chú: Eduling có các lớp học viết, lớp tiếng Anh, và lớp IELTS cho học sinh ở Mỹ và Việt Nam và một số học sinh ở các nước khác. Thông tin lớp học Ở ĐÂY. Nếu bạn chia sẻ tất cả nội dung của bài này thì xin chia sẻ cả link và trích nguồn là Eduling International Academy hoặc TS. Linh Phung từ Eduling International Academy.


Thông tin thêm:


Bài bằng tiếng Anh: https://www.eduling.org/post/personal-narrative

358 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page